Văn hóa cà phê cát- di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Có thể bạn chưa biết, một loại cà phê từng được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liệu loại cà phê xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ có gì đặc biệt đến thế? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Tìm hiểu về văn hóa cà phê cát
Cà phê ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có lịch sử hơn 800 năm. Cùng với lệnh cấm các loại đồ uống có cồn, cà phê ở đây ngày càng trở lên phổ biến và trở thành thức đồ uống không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Ngày càng được ưa chuộng, người Thổ Nhĩ Kỳ đã sáng tạo ra một loại cà phê vô cùng đặc biệt, đó chính là cà phê cát.
Cà phê cát hay còn gọi là cà phê đun bằng cát có nguyên liệu tương tự như các loại cà phê khác ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất chính là thay vì cho nước sôi vào thì cà phê cát được thêm nước ở giai đoạn cuối cùng và được đun trong cát.
Để tạo ra một tách cà phê cát đậm đà hương thơm, người Thổ Nhĩ Kỳ cần sử dụng một loại dụng cụ chuyên biệt để đun cà phê. Chiếc cốc nhỏ bằng kim loại để truyền nhiệt lượng ổn định, phần đáy rộng và miệng hẹp. Để người đun cà phê không bị bỏng tay và dễ dàng điều chỉnh, chiếc cốc này được trang bị một tay cầm dài bằng vật liệu cách nhiệt.

Người ta chuẩn bị một chảo cát to và đun nóng đều bên trên lò lửa. Cát vốn được biết đến là loại vật liệu giữ nhiệt tốt và nóng lâu nên việc sử dụng cát để đun cà phê được đánh giá là vô cùng hợp lý và hiệu quả.
Khi đun cà phê, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lấy một lượng cà phê, đường và gia vị cần thiết với tỷ lệ nhất định, bỏ chung một chút nước vào chiếc cốc nhỏ. Sau đó, người pha chế khéo léo ấn nhẹ chiếc cốc đun vào chảo cát đã được đun nóng để cốc ngập 2/3 . Với nhiệt lượng cát truyền vào, chẳng cần đợi quá lâu, cà phê trong chiếc cốc nhỏ đã sôi, bọt nổi lên trên ngay lập tức. Lúc này, người pha cà phê cần nhanh tay nhấc chiếc cốc ra khỏi chảo cát cho nguội bớt rồi lại vùi vào trong cát. Quá trình này lặp đi lặp lại vài lần và đòi hỏi người pha chế cần quan sát cẩn thận và nhanh tay để cà phê không bị trào ra ngoài và vẫn giữ nguyên vị ngon, không bị quá cháy.

Sau khi cà phê trong cốc đã sôi đều, người pha sẽ rót cà phê ra cốc và đưa đến tận tay cho thực khách thưởng thức. Hương vị của cà phê cát phụ thuộc rất nhiều vào sự khéo léo và kinh nghiệm của người pha chế, cần quan sát tỉ mỉ và nhanh tay để tạo hương vị cà phê từ từ, tránh cà phê sôi trào hoặc sôi không đều.
2. Cà phê cát có gì đặc biệt?
Điều đặc biệt của cà phê cát không chỉ nằm ở việc được đun trong cát, mà còn ẩn chứa trong chính hương vị của nó. Cà phê ở Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là mang hương vị đậm đà, quyến rũ hơn ở nhiều nước khác. Bởi với văn hóa cà phê lâu đời, cà phê ở Thổ Nhĩ Kỳ được coi là biểu tượng cho sự hiếu khách và tình bạn ở mọi tầng lớp xã hội. Hầu hết các quán cà phê ở Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyển chọn và sử dụng những hạt cà phê chất lượng nhất, kèm thêm những loại gia vị độc đáo tạo bọt. Nhờ vậy, ngay cả những tách cà phê thông thường ở đây cũng rất ngon, kể cả khi bạn thưởng thức cà phê nguyên bản hoặc cho thêm đường.

Với bột cà phê nghiền mịn, đường, gia vị đặc biệt và nước lạnh ủ trong lớp cát nóng hổi, cà phê cát từ từ dậy lên hương vị cà phê đặc biệt. Hương thơm lan tỏa cùng làn khói nóng, mùi vị cà phê đậm đà cùng lớp bọt mỏng nâu cánh gián vô cùng hấp dẫn ánh nhìn. Cà phê cát là thức đồ uống nhất định phải thử khi đặt chân đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xinh đẹp.
Năm 2013, UNESCO công nhận truyền thống và văn hóa cà phê cát tại nơi đây là di sản văn hóa của nhân loại. Từ đó, những tín đồ cà phê thế giới rất quan tâm đến thức uống vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm độc đáo này. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài việc thưởng thức cà phê hấp dẫn, những thức khách còn vô cùng thích thú khi được quan sát trực tiếp quá trình pha chế cà phê cát độc đáo.